Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Danh mục bài viết
Dự báo nhu cầu phụ tải
Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/ năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5 – 7,5% trong giai đoạn 2031 – 2050, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trung bình cho giai đoạn 2021 – 2025 là 9,3%/năm, giai đoạn 2026 – 2030 là 8,6%/năm và giai đoạn 2031 – 2050 khoảng 4,7%/năm. Kết quả dự báo phụ tải theo QHĐ VII được trình bày theo hình bên dưới:
Dự báo nhu cầu phụ tải theo QHĐ VIII
Quy hoạch điện VIII tạo hành lang pháp lý cho các dự án truyền tải
Việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện để giúp giải toả công suất cho các dự án điện tái tạo khu vực miền Trung và miền Nam, cũng như các tuyến đường dây 500 kV giúp cân đối cung cầu giữa 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Cụ thể, phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực.
Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.
Phát triển lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV bảo đảm khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng.
Phát triển lưới điện truyền tải điện có dự phòng lâu dài, tăng cường sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung để giảm diện tích chiếm đất. Khuyến khích xây dựng các trạm biến áp truyền tải kết hợp cung cấp điện cho phụ tải lân cận.
Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo
Theo QHĐ VIII, các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối và nguồn điện mặt trời) được ưu tiên phát triển, với tỷ trọng năng lượng tái tạo vào khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030 và đến năm 2050 đạt 67,5 – 71,5%. Ngoài ra, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu còn được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Cơ cấu nguồn điện năm 2030 theo QHĐ VIII (Đơn vị: GW; %)
Cơ cấu nguồn điện năm 2050 theo QHĐ VIII (Đơn vị: GW; %)
Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư các dự án điện
Cụ thể, các giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện tại Quy hoạch điện VIII bao gồm:
– Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện.
– Đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cạnh tranh trong thị trường điện. Tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế (JETP, AZEC…), các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh…
– Đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác hợp tác công – tư…) đối với các dự án điện. Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện. Tiếp tục đàm phán, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ, hỗ trợ thu xếp vốn của các đối tác quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.
– Khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu.
– Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.
– Từng bước tăng khả năng huy động tài chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.
– Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để phát triển các dự án điện.
Tải về Quyết định phê duyệt QH điện III tại đây